Theo cảnh báo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 80% – 90% trẻ em ở châu Á, bao gồm Việt Nam, có thể bị cận thị vào năm 2050.
Cận thị là một trong các loại tật khúc xạ phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt ở lứa tuổi học đường. Theo thống kê mới nhất, tỉ lệ trẻ em mắc tật cận thị vào khoảng 20-40% ở khu vực thành thị và 10-15% ở khu vực nông thôn.
Tại một số trường học trong nội thành Hà Nội và TP.HCM, tỉ lệ học sinh mắc tật cận thị chiếm tới 50%. Một nghiên cứu chuyên sâu khác trên hơn 3.000 học sinh tiểu học từ 6-10 tuổi tại các trường tiểu học TP. Vinh – Nghệ An, từ tháng 8-2022 đến hết tháng 5-2023, cho thấy tỉ lệ cận thị chung ở học sinh tiểu học vào khoảng 31,3% và dự kiến sẽ còn tăng cao qua các năm.
3 nguyên nhân chính gây nên tật cận thị
Theo BS.CKI. Hà Như Quỳnh, đang công tác tại Bệnh viện Mắt Prima Sài Gòn thuộc Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, phần lớn mọi người đều nghĩ cận thị không phải vấn đề nghiêm trọng, các triệu chứng có thể được điều chỉnh dễ dàng bằng kính.
“Tuy nhiên, trên thực tế, cận thị là nguyên nhân hàng đầu gây mất thị lực và đứng thứ hai trong các nguyên nhân gây mù lòa. Các xu hướng hiện tại cho thấy mức độ nghiêm trọng của cận thị đang gia tăng, tỉ lệ mắc cận thị cao, đặc biệt ở trẻ em. Tật cận thị không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống và năng suất học tập ở trẻ, mà còn dẫn đến những hạn chế trong việc chơi thể thao và khám phá các trải nghiệm sau này”, BS Hà Như Quỳnh cho biết.
Có 3 nguyên nhân chính gây nên tật cận thị
– Nguyên nhân thứ nhất là do di truyền. Theo các nghiên cứu, nếu cả bố và mẹ đều bị cận thị, khả năng con sinh ra bị cận thị là từ 33% đến 60%. Còn nếu cả cha và mẹ không ai bị cận thị, khả năng trẻ bị cận chỉ từ 6% – 15%.
– Nguyên nhân thứ hai đến từ việc trẻ em ngày nay sử dụng thiết bị điện tử quá sớm và quá nhiều. Kết quả một cuộc khảo sát ở Việt Nam về việc trẻ em sử dụng các thiết bị số như máy tính bảng, điện thoại… cho thấy có đến 78% trẻ em trong độ tuổi từ 1 tới 5 tiếp xúc với các thiết bị điện tử hàng giờ mỗi ngày. “Các thiết bị điện tử phát ra ánh sáng xanh nhân tạo, có thể gây mỏi mắt, rối loạn giấc ngủ, lâu dần dẫn đến cận thị. Ngoài ra, việc sử dụng các thiết bị điện tử quá nhiều còn khiến trẻ thiếu tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên, thiếu vận động ngoài trời… càng làm tăng nguy cơ cận thị một cách gián tiếp”, BS Quỳnh chia sẻ.
– Nguyên nhân thứ ba cũng là nguyên nhân ít người biết đến, đó chính là sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết cho mắt như Lutein, Zeaxanthin, vitamin A, C và E, các khoáng chất… Theo BS Hà Như Quỳnh, các bậc phụ huynh thường chỉ chú ý bổ sung dinh dưỡng chung cho con trẻ, chứ ít khi quan tâm đến chế độ dinh dưỡng đặc thù riêng cho mắt, khiến mắt mất đi cơ chế phòng vệ cần thiết để giảm nguy cơ bị cận thị trong quá trình học tập và sinh hoạt.
Phòng ngừa cận thị bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý và sinh hoạt lành mạnh
Trong 3 nguyên nhân gây cận thị như trên, cận thị do di truyền chỉ chiếm 25%, 75% còn lại là do lối sống hoặc thói quen sinh hoạt chưa lành mạnh. “Nếu di truyền là yếu tố không thể can thiệp, chế độ dinh dưỡng và thói quen sinh hoạt hoàn toàn có thể điều chỉnh để phòng ngừa cận thị, giảm nguy cơ cận thị sớm hoặc giảm nguy cơ tăng thêm độ cận theo thời gian”, BS. Như Quỳnh tư vấn.
Theo đó, công thức nuôi dưỡng và bảo vệ mắt sẽ bao gồm chế độ dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt lành mạnh, cũng như việc sử dụng các thiết bị điện tử đúng cách.
Cụ thể, khoảng cách an toàn từ mắt bé đến màn hình của các thiết bị điện tử ước tính tương đương 2 bước chân của trẻ từ 3-10 tuổi (tầm 45.72 – 60.96cm), từ đó tăng cường sức khỏe cho mắt và giảm nguy cơ cận thị. Các bé cũng cần ngủ đủ giấc cho đôi mắt nghỉ ngơi, hạn chế các thiết bị điện tử, tăng cường vận động ngoài trời, rèn luyện các bài thể dục cho mắt khỏe…
Song song đó, các phụ huynh cần chú ý bổ sung 2 dưỡng chất vàng tốt cho mắt của con là Lutein và Zeaxanthin. Lutein và Zeaxanthin tập trung nhiều ở hoàng điểm và võng mạc mắt, hỗ trợ lọc ánh sáng xanh có hại, hỗ trợ bảo vệ mắt được an toàn và khỏe mạnh.
Các thực phẩm giàu Lutein và Zeaxanthin như rau lá xanh đậm, khoai lang, bí đỏ, cà rốt, rau dền… có đặc tính hỗ trợ chống oxy hóa mạnh, hỗ trợ bảo vệ mắt, chống mỏi mắt, góp phần cải thiện thị lực.
Nếu không thuận tiện tìm đúng nguồn thực phẩm có chứa 2 dưỡng chất Lutein và Zeaxanthin, hay các bé không thích ăn rau quả, các mẹ có thể tìm nguồn thực phẩm bổ sung thay thế, ví dụ như chế phẩm sữa có chứa 2 dưỡng chất trên, cũng như vitamin A và các khoáng chất cần thiết khác.
BS Như Quỳnh cũng lưu ý các bậc phụ huynh nên hạn chế thời gian sử dụng thiết bị điện tử và khuyến khích trẻ nghỉ ngơi mắt thường xuyên, đảm bảo cho trẻ có đủ ánh sáng tự nhiên khi học tập và chơi, khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời ít nhất 2 giờ mỗi ngày, khám mắt định kỳ để phát hiện và điều chỉnh cận thị sớm, nếu có.